“Dầu gội A chứa tinh dầu hoa bưởi giúp dưỡng mượt tóc”, “nước xả vải B với tinh dầu thơm tinh tế”, “sữa tắm C bổ sung tinh dầu hoa hồng nồng nàn quyến rũ” v.v…Dường như “tinh dầu” là một thứ rất giá trị mà nhiều sản phẩm đều muốn “vơ” vào dù ít dù nhiều. Vậy tinh dầu là gì? Một loại chất giống như…dầu ăn của chúng ta hàng ngày chăng? Nó có những tác dụng như thế nào? Chỉ trong ngành hóa mỹ phẩm hay còn những công dụng khác? Hãy cùng khoahoc247 tìm hiểu về loại vật chất rất hữu dụng và vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhé.
1. Tinh dầu là gì?
Tinh dầu là những hợp chất thơm tự nhiên được tìm thấy trong hạt, vỏ, rễ, hoa, và các phần khác của cây. Tinh dầu có mùi hương rất mạnh, và thường rất nồng nàn, quyến rũ. Khi bạn ngửi trực tiếp một bông hoa hồng, hay đi qua một cánh đồng hoa oải hương, hay ngửi một nhánh bạc hà mới ngắt, tức là bạn đã được trải nghiệm mùi hương tuyệt vời do tinh dầu mang lại rồi đấy.
Ngoài việc mang lại cho thực vật hương thơm đặc trưng của mình, tinh dầu còn giúp cây có sự bảo vệ chống lại các loài động vật định xâm hại cây và đóng vai trò trong sự thụ phấn của cây.
Tinh dầu là những chất hóa học tự nhiên không thuộc gốc nước, cấu tạo từ các hợp chất thơm dễ bay hơi. Mặc dầu tan được trong chất béo, nhưng tinh dầu không chứa chất béo hay các axit béo có trong dầu thực vật và dầu động vật.
Tinh dầu rất sạch, rất mạnh đối với da, và được da hấp thụ ngay nếu tiếp xúc. Tinh dầu thuần khiết thường trong mờ, màu có thể trong suốt đến đục, sậm.
Bên cạnh những lợi ích cho chính thực vật và hương thơm nồng nàn quyến rũ cho con người, tinh dầu đã và đang được sử dụng từ rất lâu trong nhiều nền văn hóa nhờ tác dụng chữa bệnh và trị liệu của mình. Nghiên cứu khoa học hiện đại và xu hướng tiếp cận tổng thế hơn đến sức khỏe trong y học đang tạo nên một cuộc “phục hưng” và những khám phá mới về các ứng dụng y học của tinh dầu
2. Tinh dầu trong lịch sử
Tinh dầu đã và đang được sử dụng xuyên suốt lịch sử với hàng loạt ứng dụng cho y học, sức khỏe. Người Ai Cập là môt trong số những cộng đồng sử dụng tinh dầu thơm một cách rộng rãi cho việc chữa bênh, trị liệu sắc đẹp, trong thực phẩm và các nghi lễ tôn giáo. Hương trầm, gỗ đàn hương, nhựa thơm (nhựa mật nhi lạp – myrrh), và quế được coi là những hàng hóa rất giá trị trong thương mại thuở đó và đôi khi được đổi bằng vàng.
Vay mượn từ người Ai Cập, người Hi Lạp cũng đã sử dụng tinh dầu trong xoa bóp chữa bệnh và trị liệu bằng hương thơm. Người La Mã cũng sử dụng các tinh dầu thơm để tăng cường sức khỏe và vệ sinh cá nhân. Ảnh hưởng từ người Hi Lạp và La Mã, cũng như người Trung Quốc và phương pháp trị liệu Avurvedic dùng thảo mộc thơm của người ấn độ, người Ba Tư đã bắt đầu cải tiến những phương pháp chưng cất để chiết xuất tinh dầu từ thảo mộc. Chiết xuất tinh dầu đã được sử dụng trong suốt những thời kì u ám ở châu Âu nhờ tác dụng chống khuẩn và tính chất thơm của nó.
Vào thời hiện đại, những tính chất trị liệu, làm lành vết thương mạnh mẽ của tinh dầu đã được khám phá vào năm 1937 bới một nhà hóa học người Pháp tên là Rene-Maurice Gattefosse – người đã chữa lành được một vết bỏng tay nặng bằng tinh dầu oải hương tinh khiết. Một người Pháp cùng thời, tiến sĩ Jean Valnet đã sử dụng tinh dầu cấp trị liệu để chữa trị thành công cho những người lính bị thương trong chiến tranh thế giới thứ II. Jean Valnet đã trở thành một người dẫn đầu trong việc phát triển trị liệu bằng hương thơm. Những công dụng mới của tinh dầu tiếp tục phát triển nhanh chóng khi các nhà khoa học y học và các bác sỹ tiếp tục nghiên cứu và xác nhận hàng loạt những lợi ích về sức khỏe và y học của tinh dầu cấp trị liệu.
3. Công dụng của tinh dầu
Tinh dầu được sử dụng trong rất nhiều mục đích chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Một loại tinh dầu có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối trộn tùy thuộc vào kinh nghiệm của người sử dụng hoặc vào tác dụng mong muốn. Tinh dầu thường được sử dụng bằng một trong ba phương pháp sau: phân tán hương thơm; thoa bên ngoài; hoặc đưa vào cơ thể như một dạng thực phẩm bổ sung
Các tác dụng khi phát tán hương thơm
Khướu giác của chúng ta ảnh hưởng tới các quá trình sinh lí bao gồm sự kích thích các hooc môn và những quá trình trao đổi chất khác. Ngành trị liệu hương thơm được hình thành dựa trên những phản hồi có thể dự đoán được của cơ thể đối với các tác nhân kích thích khứu giác. Tinh dầu được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng trị liệu hương thơm. Các tinh dầu nhất định, khi được phân tán trong không khi, có thể hoạt động rất “sôi nổi”, trong khi một số loại khác thì có thể “dịu dàng”, “êm ả”. Ngoài những lợi ích về cảm xúc, các tinh dầu khi được phân tán có thể thanh lọc không khí khỏi những mùi khó chịu, không mong muốn và những tác nhân gây bệnh trong không khí. Các thiết bị khuếch tán tinh dầu nhiệt độ thấp hoặc không gia nhiệt được khuyên dùng hơn vì chúng không thay đổi cấu trúc hóa học của tinh dầu được khuếch tán. Tinh dầu cũng có thể được sử dụng để làm sạch và thanh lọc các chất phụ gia cho quần áo giặt là và các chất làm sạch bề mặt trong nhà.
Những công dụng khi dùng trên da
Nhờ vào cấu tạo phân tử tự nhiên của mình, tinh dầu dễ dàng được da hấp thụ và có thể thoa lên da dễ dàng. Tinh dầu có thể có tác động tức thì, cục bộ lên vùng mong muốn. Chúng có những tính chất giúp phục hồi sức khỏe và tác dụng xoa dịu, rất hiệu quả với xoa bóp và trị liệu sắc đẹp. Chúng cũng là những chất diệt khuẩn tự nhiên. Cấu trúc hóa học của tinh dầu cũng giúp cho chúng được hấp thụ vào máu trong cơ thể qua da để cho những tác dụng bên trong cơ thể
Tác dụng khi đưa vào bên trong cơ thể
Tinh dầu có thể được sử dụng như một dạng thực phẩm bổ sung giúp hỗ trợ nhiều tình trạng sức khỏe. Một số tinh dầu có tính chất chống oxi hóa mạnh mẽ trong khi một số khác giúp hỗ trợ các phản ứng chống viêm trong tế bào. Nhiều loại tinh dầu được coi là an toàn để đưa vào cơ thể, nhưng một số loại thì không nên. Không sử dụng bất kì sản phẩm tinh dầu nào vào trong cơ thể mà không có thông tin bổ sung phù hợp trên nhãn.
Một số tinh dầu – như tinh dầu bạch hà – có thể uống được (pha loãng theo hướng dẫn) để trị cảm lạnh, sổ mũi v.v…
4. Phương pháp chiết xuất tinh dầu
Tinh dầu cấp trị liệu thường được chiết xuất thông qua quá trình chưng cất hơi nước nhiệt độ thấp trong đó hơi nước được luân chuyển dưới áp suất qua nguyên liệu thực vật, giải phóng tinh dầu vào hơi nước. Khi hỗn hợp hơi nước nguội, nước và tinh dầu chia tách ra một cách tự nhiên và tinh dầu thu được ở dạng tinh khiết. Để đảm bảo chất lượng cao nhất cho chiết xuất tinh dầu với thành phần hóa học chính xác, nhiệt độ và áp suất phải được kiểm soát rất nghiêm nghặt. Qúa ít nhiệt và áp suất sẽ không giải phóng được tinh dầu có giá trị, trong khi nhiệt và áp quá cao có thể làm thay đổi thành phần của chiết xuất thu được.
Việc quản lí kỹ càng qúa trình chiết xuất quan trọng bao nhiêu thì việc lựa chọn cẩn thận đúng loại cây và bộ phận của cây ở thời điểm chính xác cũng quan trọng bấy nhiêu để đảm bảo quá trình chiết xuất thành công. Qúa trình phức tạp này vừa như là một nghệ thuật, vừa là khoa học, và đòi hỏi những người trồng cây, những nhà chiết xuất có kinh nghiệm làm việc với nhau để đảm bảo có được một sản phẩm chất lượng.
Mất khoảng 12000 bông hoa hồng để chiết xuất được khoảng 5ml tinh dầu hoa hồng cấp trị liệu
Chưng cất hơi nước tính đến nay vẫn là phương pháp chiết xuất phổ biến nhất, nhưng một số tinh dầu như dầu bưởi thì được chiết xuất thông qua một quá trình nén trong đó tinh dầu được ép ra từ cây. Một số rất ít tinh dầu khác thì được chiết bằng cách sử dụng dung môi – chất kết hợp với tinh dầu rồi sau đó được loại bỏ khỏi sản phẩm cuối cùng.
5. Các cấp độ chất lượng tinh dầu
Ngày càng có nhiều sản phẩm nhận là tinh dầu hoặc có chứa tinh dầu. Chúng có nhiều cấp giá cả và chất lượng, và được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm, và một số sản phảm khác. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những sản phẩm này không sử dụng tinh dầu thuần khiết và thường sử dụng các chất thay thế hóa học có hương liệu tổng hợp để làm loãng hoặc thay thế các chiết xuất tinh dầu đắt đỏ. Hơn thế nữa, không có các tiêu chuẩn kiểm soát hiện hành để miêu tả cho “cấp trị liệu” cho những sản phẩm được gắn nhãn có “tinh dầu”.
Người ta thường phân loại tinh dầu thành 4 cấp độ như sau:
Cấp A – hay tinh dầu cấp trị liệu : được chiết xuất từ những cây được trồng theo quy trình hữu cơ và được thu hoạch đúng cách. Để duy trì các tính chất có lợi, thảo dược phải được chưng cất ở nhiệt độ chính xác, trong khoảng thời gian chính xác và ở áp suất định mức. Do tính chất mạnh mẽ của mình, những tinh dầu này có thể được làm giảm tính mạnh bằng các loại dầu nền – như dầu hạnh nhân ngọt, jojoba, oliu hay dầu hướng dương – khi sử dụng trong trị liệu hương thơm, xoa bóp hoặc khuếch tán vào không khí.
Tinh dầu cấp B- cấp thực phẩm hay nước hoa : được chiết xuất bằng nhiệt hay các chất hóa học – và có thể chứa các chất tổng hợp hay chất pha loãng, như cồn hay dầu nền. Ví dụ về dầu cấp B – dầu tạo hương bạc hà cho nến, hay chiết xuất chanh cho làm bánh. Những tinh dầu cấp thấp hơn này cũng được dùng trong những sản phẩm dùng trong nhà như: nước tẩy rửa hương thông, hương cam.
Tinh dầu cấp C : là loại thường lẫn nhiều tạp chất, nhìn chung là chất lượng thấp, còn lại là dầu nước hoa. Chúng được sử dụng trong các chất tẩy rửa công nghiệp, để làm hương liệu làm nến, hỗn hợp thơm để trong tủ quần áo, và tất nhiên cả nước hoa nữa. Dầu cấp C không có tác dụng trị liệu.
Phần nước có mùi hoa cỏ hay các sol nước : là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất tinh dầu cấp A đôi khi được coi là cấp thứ tư của tinh dầu. Những sol nước phổ biến gồm nước hoa hồng hoặc lavender và nước hoa cam, thường được dùng trong những sản phẩm chăm sóc tóc và da. Những loại nước khác mà không có tính chất diệt khuẩn tự nhiên thì được xử lí với các chất bảo quản, chất ổn định hay các chất chống oxi hóa để bảo quản sản phẩm cho lần sử dụng sau. Mặc dầu được xử lí như vậy nhưng những thứ nước này vẫn được coi là tự nhiên.
6. Những lưu ý an toàn khi sử dụng tinh dầu
Vì tinh dầu vốn rất mạnh nên bạn cần lưu í một số điều sau đây khi sử dụng tinh dầu – mặc định là tinh dầu cấp trị liệu (loại được bán đến tay bạn – còn những loại kia thường được sử dụng công nghiệp)
Nếu bị đỏ hoặc rát khi dùng tinh dầu xoa ngoài da, hãy thoa lên vùng da bị ảnh hưởng 1 ít dầu thực vật – như dầu dừa hoặc dầu oliu
Không nên sử dụng tinh dầu cho mắt, trong ống tai, hoặc vết thương hở. Trong trường hợp lỡ tiếp xúc với mắt, hãy làm loãng bằng dầu thực vật, không dùng nước
Không dùng tinh dầu đưa vào trong cơ thể trừ khi có Thông tin bổ sung với hướng dẫn sử dụng, cảnh báo cụ thể
Ngưng sử dụng tinh dầu nếu gặp vấn đề về da, dạ dày nghiêm trọng, đường hô hấp bị kích thích hay sự khó chịu, không thoải mái
Khi dùng tinh dầu cho trẻ em, dùng một lượng rất nhỏ để kiểm tra trên da hoặc các vùng nhạy cảm khác. Không thoa lên tay trẻ vì chúng có thể đưa lên mắt hoặc vào miệng
Tham khảo bác sỹ trước khi sử dụng tinh dầu nếu bạn đang mang thai hoặc đang trị liệu hoặc có những câu hỏi về độ an toàn liên quan đến tinh dầu.
Hãy nhớ những tinh dầu cấp trị liệu là những chiết xuất có nồng độ rất cao và nên sử dụng với sự cẩn thận hợp lí. Bạn cũng có thể tham khảo những người có kinh nghiệm với tinh dầu, điều này sẽ giúp bạn có được trải nghiệm thú vị và giá trị hơn với tinh dầu. Và khi bạn đã biết cách sử dụng tinh dầu, hãy chia sẻ hiểu biết của mình với người khác nhé.